. Nhìn vào bức tranh kinh tế
của năm 2010 chúng ta thấy được những điểm sáng ấn tượng, đó là:
Ấn tượng thứ nhất: Kinh tế
hồi phục và tăng trưởng ngoạn mục.
Chúng ta đã kết thúc năm kế
hoạch 2010 với nhiều thành công to lớn. Mặc dù là năm thứ 3 liên tiếp VN chịu
ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, song, kết
thúc năm 2010 VN vẫn đạt tăng trưởng GDP cao hơn nhiều mức tăng 5,32% của năm
2009. Mặc dù phải đưa ra hàng loạt chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm chú
trọng ổn định vĩ mô nhưng kinh tế VN năm 2010 vẫn chứng tỏ sự phục hồi và tăng
trưởng ấn tượng. GDP cả năm tăng 6,78%, cao hơn chỉ tiêu 6,5% do Quốc hội đề
ra. Các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đều có mức
tăng 7,5 - 7,6%, cao hơn GDP.
Trong mức tăng trưởng chung
của toàn nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%,
khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, khu vực dịch vụ tăng 7,52%. Nông
nghiệp tiếp tục được mùa. Sản xuất công nghiệp hồi phục khá nhanh. Giá trị sản
xuất công nghiệp tăng 14 % so với năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế nhà nước
tăng 7,4%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư
nước ngoài tăng 17,5%. Cơ cấu sản xuất công nghiệp đã có bước chuyển dịch tích
cực, trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến,
chế tạo năm 2010 chiếm tỷ trọng lớn nhất (89,4%), đạt tốc độ tăng 14,7% so với
năm 2009, cao hơn nhiều so với năm trước. Đây là ngành có tốc độ hồi phục nhanh
nhất trong năm 2010 sau giai đoạn khủng hoảng.
Ấn tượng thứ hai: Thu - chi
NSNN khả quan.
Năm 2010, tình hình kinh tế
trong nước chuyển biến tích cực đã tạo điều kiện để tăng thu Ngân sách nhà
nước. Tổng thu NSNN năm 2010 đạt kết quả khá cao, ước vượt 14,4% so với dự
toán, tăng 19,4% so với năm 2009. Riêng thu nội địa (không kể thu tiền sử dụng
đất) ước vượt 8,6% so dự toán. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần qua các năm: Năm
2008 là 55,8%, năm 2009 là 61%, ước thực hiện năm 2010 là 64% tổng thu NSNN,
qua đó tăng tính ổn định và bền vững của NSNN. Chi NSNN dành nhiều hơn cho an
sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Năm 2010 NSNN chi cho an
sinh xã hội ước khoảng 72.120 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2009. NSNN đã chi
cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trong năm 2010
khoảng 5.400 tỷ đồng, trong đó NSTƯ chi khoảng 3.500 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi
NSNN, bội chi NSNN năm 2010 giảm xuống còn 5,8% GDP (giảm 0,4% so với dự toán
và giảm 1,1% GDP so với thực hiện năm 2009), tạo điều kiện giảm dần bội chi
trong các năm sau. Các khoản chi ngoài cân đối
NSNN, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các quỹ tài chính
ngoài ngân sách, các khoản vay của chính quyền địa phương, các khoản tạm ứng
ngân sách được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. An ninh tài
chính quốc gia được đảm bảo; dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia và
dư nợ công trong giới hạn an toàn. Việc bố trí thanh toán nợ hàng năm đều đảm
bảo đầy đủ, đúng hạn, không có nợ xấu.
Ấn tượng thứ ba: Vốn đầu tư
tăng trưởng tích cực.
Kinh tế phục hồi là một
nguyên nhân quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư phát triển. Nguồn vốn đầu tư
toàn xã hội năm 2010 đã đạt được những kết quả tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội
theo giá thực tế thực hiện năm 2010 ước tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao
gồm: Khu vực Nhà nước chiếm 37,6% tổng vốn, tăng 30,2%; khu vực ngoài nhà nước
chiếm 36,8%, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 25,6%,
tăng 10,7%. Nguồn vốn đầu tư tăng trở lại, tăng trưởng tiêu dùng trong nước và
thị trường XK là động lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, biểu hiện qua số lượng
DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh sau năm 2009 đầy khó khăn, báo hiệu niềm tin
vào môi trường đầu tư và cơ hội kinh doanh trong nước tăng đáng kể. 8 tháng của
năm 2010 đã có thêm 59.000 DN đăng ký tham gia thị trường, với số vốn đăng ký
hơn 370.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2009. Đây có thể coi là
điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2010, khi sản xuất công nghiệp đạt tốc độ
tăng trưởng gần 15%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009, đóng góp quan trọng cho
tăng trưởng GDP.
Việc giải ngân các nguồn vốn
đầu tư từ ngân sách, vốn viện trợ phát triển ODA và vốn đầu tư nước ngoài FDI
được cải thiện đáng kể. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau thời kỳ suy
giảm đã tăng trở lại, vốn FDI thực hiện ước đạt 10,5 tỉ USD, tăng 10% so với
năm 2009. Trong năm 2010, tổng trị giá vốn ODA được ký thông qua các hiệp định
với các nhà tài trợ đạt 2.209 triệu USD, bao gồm vốn vay đạt 2.108 triệu USD;
vốn viện trợ không hoàn lại đạt 101 triệu USD. Giải ngân vốn ODA ước tính đạt
1.920 triệu USD, tăng 11% so với năm 2009.
Ấn tượng thứ tư: Xuất khẩu
vượt kế hoạch, cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể.
Năm 2010, xuất nhập khẩu của
VN có nhịp độ tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế của những nước
vốn là thị trường xuất khẩu lớn của VN như Mỹ, Nhật Bản, EU... vẫn phục hồi
chậm chạp. XK vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch XK cả năm đạt 71,6 tỉ USD, tăng
25,5%, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch (6%). XK của khu vực kinh tế trong nước
tăng 22,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) tăng 27,8% so với
năm 2009. Trong năm 2010, có 18 mặt hàng chủ yếu đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD
và tăng trưởng khá là hàng dệt may tăng 23,2%; giày dép tăng 24,9%; thủy sản
tăng 16,5%; gạo tăng 20,6%; điện tử, máy tính tăng 28,8%; gỗ và sản phẩm gỗ
tăng 31,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 48%; cao su tăng 95,6%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm
2010 ước đạt 82,6 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2009. Nguyên nhân chính của sự
gia tăng nhập khẩu là do kinh tế có sự phục hồi làm gia tăng nhập khẩu nguyên
phụ liệu phục vụ sản xuất (chiếm khoảng 80% cơ cấu nhập khẩu). Mặc dù cả kim
ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều tăng, nhưng do tốc độ tăng kim ngạch
xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, nên nhập siêu năm 2010 giảm
xuống chỉ còn khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như
vậy, so với những năm gần đây cán cân thương mại đã có sự cải thiện đáng kể,
thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc kiềm chế nhập khẩu những mặt hàng
không cần thiết. Song mức nhập siêu vẫn còn cao cho thấy việc phát triển các
ngành công nghiệp phụ trợ và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn còn chậm.
Ấn tượng thứ năm: Chủ động,
tự tin trong điều hành nền kinh tế.
VN bước vào năm 2010 với một
số thành quả kinh tế khá ấn tượng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các thách
thức vĩ mô của VN cũng không phải là nhỏ. Mở cửa, khủng hoảng tài chính toàn
cầu và việc theo đuổi các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ nền
kinh tế kể từ giữa năm 2008 đã gây áp lực lớn đối với môi trường vĩ mô của VN,
thâm hụt tài khóa tăng mạnh, nhập siêu leo thang và ở mức cao, các áp lực lạm
phát và giảm giá đồng VN luôn tiềm ẩn.
Có thể nói chặng đường của
năm 2010 có không ít gian nan. Bài học lớn trong điều hành kinh tế năm 2009 là
sự điều hành chủ động, quyết liệt và sáng tạo của Chính phủ đã được tiếp tục
phát huy trong năm 2010. Chính phủ liên tiếp có chỉ đạo điều hành các bộ,
ngành, địa phương tập trung các giải pháp thực hiện Nghị quyết 03 về những giải
pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và dự toán NSNN năm 2010, và đến hết quý I, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 18
về 6 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại và đạt tốc
độ kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2010 là
thời gian nước rút của năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm,
chúng ta đã thấy nhiều giải pháp được Chính phủ triển khai, thực hiện Nghị
quyết của Quốc hội như rà soát, cắt giảm 1/3 thủ tục hành chính, tiết kiệm
trong đầu tư công, thúc đẩy các dự án đầu tư đúng tiến độ, tăng hiệu quả đầu tư
toàn xã hội, kiểm soát thị trường tiền tệ, đẩy mạnh XK và phát triển thị trường
nội địa...
Trong năm 2010, mục tiêu bảo
đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì
tăng trưởng hợp lý luôn là trọng tâm chỉ đạo, điều hành vĩ mô. Chính phủ và Thủ
tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt
và nhất quán trong thực hiện mục tiêu đặt ra.
Đến nay, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã
hội đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển
kinh tế- xã hội năm 2010 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn lại những thành tựu của
đất nước trong năm 2010 vừa qua, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định đây
là thành tựu hết sức ấn tượng, được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, chung sức
của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân chúng ta. Và thành tích này càng ấn tượng
thêm khi đặt trong bối cảnh nhiều nước
có nền kinh tế lớn hơn gặp khó khăn, thậm chí đổ vỡ, nhưng VN đã hạn chế được
đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, giữ được ổn
định và phát triển.