KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CÙNG NHÌN LẠI 2010 ĐỂ ĐÁNH GIÁ NHỮNG CƠ HỘI, THÁCH THỨC TRONG NĂM 2011
(khoahockiemtoan.vn) - Kinh tế 2010 đi qua để lại mảng sáng tối đan xen. Tạm bằng lòng với những con số, dù cũng còn đó không ít nỗi lo. Nhưng, vẫn luôn thế dù còn tồn tại, dù có thách thức, một năm mới đến sẽ mang đến sự kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế.

Năm mới, đặt câu hỏi về cơ hội của nền kinh tế năm 2011, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến cơ hội dễ thấy nhất là không để lặp lại những tồn tại của năm 2010. Trong chương trình Việt Nam trong tuần cuối cùng của năm 2010, chúng ta hãy cùng nhìn lại những mảng sáng, những tồn tại của năm 2010 đã qua, những thách thức cơ hội của năm 2011.

 Nhiều thành tựu trong khó khăn

Mục tiêu kế hoạch là đích đến, cho nên vượt đích là điều đáng mừng đối với mỗi ngành cũng như nền kinh tế. Năm 2010, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thì những chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch đề ra cũng là những kết quả khả quan đáng khích lệ. Đi hết những ngày cuối cùng của năm, có thể khẳng định nền kinh tế sớm thoát khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá cao, GDP tăng 6,78%.

Cùng với nền kinh tế phục hồi đã kéo theo vốn đầu tư xã hội tăng khá. Năm 2010, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển ước tăng 17%, bằng gần 42% GDP. Chỉ tiêu xuất khẩu cũng thỏa mong muốn khi đạt trên 71 tỷ USD. Một chỉ tiêu cũng rất đáng mừng là nhập siêu năm 2010 chỉ khoảng 12 tỷ USD, bằng 17% tổng kim ngạch xuất.

Thứ trưởng Bộ Công thương ông Nguyễn Thành Biên, đánh giá, đây là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua và chúng ta cần phát huy đà này. "Theo tôi thứ nhất là triển khai quyết liệt chủ trương của Bộ Chính trị Người VN ưu tiên dùng hàng VN. Mà không chỉ vậy, DN VN cũng nên ưu tiên sử dụng vật tư hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu máy móc thiết bị do trong nước sản xuất. Các DN cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, giá cả giảm để có sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Với cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát những mặt hàng nhập khẩu mà trong nước sản xuất được thông qua thuế, các biện pháp phi thuế. Tất nhiên các biện pháp này pháp luật cho phép và không trái cam kết khi gia nhập WTO" - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.

Kết quả khả quan của kiểm soát nhập siêu cũng đóng góp vào kiểm soát thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể. Kết thúc năm 2010, chúng ta yên tâm hơn để bước vào năm mới khi NHNN thông báo thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể chỉ còn khoảng 2,5 tỷ USD. Coi con số này là ấn tượng bởi năm ngoái, thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể là 8,8 tỷ USD. Cũng rất ý nghĩa khi bội chi NSNN từ mức 6,9% năm 2009 đã giảm còn khoảng 5,9% khi kết thúc năm 2010, thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu 6,2% được Quốc hội thông qua.

Với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nếu con số thu hút đầu tư chưa được như kỳ vọng, thì mức giải ngân có thể khiến chúng ta tạm yên tâm. Tính đến hết tháng 12, tổng vốn FDI đăng ký cả cấp mới và tăng vốn năm 2010 đạt khoảng 18,6 tỷ USD, tuy chỉ đạt 80% kế hoạch, nhưng mức giải ngân khoảng 11 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Bình, Vụ Phó Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét, môi trường kinh doanh năm 2010 cũng được cải thiện đáng kể qua đánh giá của các tổ chức quốc tế: "Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 10 bậc, đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011). Chỉ số xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 16 bậc lên vị trí số 59 vào năm 2010 theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)".

Năm 2010, cũng cho thấy các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế 2011 của nước ta, khi tiếp tục tài trợ lượng vốn ODA lớn đến gần 8 tỷ USD. Cần nhìn nhận con số này trong bối cảnh các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng khó khăn về tài chính do khủng hoảng, và phải thắt chặt chi tiêu ngay cả ở thị trường nước họ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì ấn tượng với sự phát triển số lượng và gia tăng vốn của khối doanh nghiệp trong nước trong năm qua, bởi có nhiều ý nghĩa với kinh tế vĩ mô: "Con số rất đáng nói là 85.000 doanh nghiệp mới được thành lập năm 2010 với số vốn điều lệ là hơn 500.000 tỷ đồng. Ý nghĩa của những con số này là cơ hội tạo việc làm và tăng trưởng cho những năm tiếp theo, trong đó có năm 2011. Bên cạnh đó là nhiều dự án lớn của quốc gia được triển khai, như hòa lưới điện quốc gia của Thủy điện Sơn La, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất được bàn giao và kinh doanh...". 

Những ngày cuối cùng của năm, Thủy điện Sơn La đã hòa lưới điện khi tổ máy đầu tiên phát điện. Đây là sự khích lệ đối với ngành điện và nền kinh tế trong bối cảnh nhiều năm qua nền kinh tế luôn vật lộn với tình trạng thiếu điện. Cũng trong ngành năng lượng, năm 2010 cũng đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp nước ta, khi lần đầu tiên VN đưa ra sản phẩm lọc hóa dầu ra thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành và kinh doanh sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất, đánh giá ngày 30/5/2010 nhà máy lọc dầu số 1 - Dung Quất đã được bàn giao từ Tổ hợp nhà thầu, chính thức bước vào vận hành thương mại. Cùng với đó, nhà máy sản xuất nhựa Polypropylen sử dụng nguyên liệu propylen được sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thương mại vào ngày 25/8/2010, sản xuất ra sản phẩm hóa dầu Polypropylen đầu tiên, góp phần tạo thêm giá trị gia tăng cho nhà máy lọc dầu số 1 - Dung Quất. Thành công nối tiếp này đánh dấu bước phát triển quan trọng tiếp theo của ngành hóa dầu Việt Nam. Với công suất dầu thô 6,5 triệu tấn đầu vào, và cho ra khoảng 6 triệu tấn xăng dầu, LPG như phản lực, dầu FO, dầu diesel hàng năm, thì nhà máy của chúng tôi có thể đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Cũng trong năm 2010, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn có thêm sự kiện vui là được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia giao vận hành, quản lý nhà máy sản xuất Polypropylene đầu tiên của Việt Nam, công suất 150.000 tấn/năm, sử dụng nguyên liệu từ NMLD, cho ra trên 30 loại sản phẩm nhựa Hô mô polymer PP đáp ứng một phần nhu cầu hạt nhựa của thị trường trong nước. Với công suất này của nhà máy, chúng ta cũng đáp ứng được 30% tổng nhu cầu hạt nhựa quốc gia.

Trong tương lai, hai nhà máy này đều được mở rộng để cung cấp 50% sản phẩm xăng dầu và hạt nhựa. Đây là đích ngắn hạn trong một vài năm sắp tới. Khó khăn kinh tế năm 2010 là thế, tác động giá cả - lạm phát đến đời sống người dân là thế, nhưng với sự chủ động về chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh hoạt động xóa đói giảm nghèo, chúng ta vẫn giảm tỷ lệ nghèo được 1,7-1,8%.

Những thách thức

Chia sẻ với những thành công như vừa nêu, song theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng có những tâm tư riêng. Theo ông, mảng sáng của nền kinh tế 2010 có thể quan niệm là đạt được hơn kế hoạch. Song cần nhìn nhận thực tế là nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch không phải là nhiều, kể cả tăng trưởng GDP, mức thâm hụt ngân sách và nhiều con số khác.

Trong khi đó, để đạt được những kết quả này, chúng ta cũng phải đánh đổi không ít, đó là nảy sinh những bất ổn tiền tệ, đó là lạm phát tăng cao. Và lòng tin, yếu tố khó đo lường, khó kiểm soát, đã lên tiếng mạnh mẽ trong năm qua bằng những hành động trú ẩn vào trữ vàng, bất động sản và ngoại tệ. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, lòng tin sẽ giảm nếu thông điệp chính sách không thống nhất, rõ ràng và xuyên suốt. Chúng ta luôn đề cao ổn định vĩ mô, nhưng có những thời điểm chính sách tài khóa và tiền tệ lại cùng nới lỏng, mở rộng đầu tư và cung ứng nhiều vốn hơn cho thị trường. Và bất ổn của thị trường tài chính - tiền tệ làm giảm lòng tin của thị trường và nhà đầu tư.

Gắn bài học này với năm 2011, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, phân tích: Chúng ta đã đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%, lạm phát 7%. Mục tiêu này đạt được khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô, bội chi ngân sách giảm còn 3 đến 3,5%. Song song với đó là đầu tư công giảm, siết chặt kỷ luật ngân sách giảm, trách nhiệm giải trình cao hơn, từ đó đầu tư công hiệu quả hơn. Rõ ràng, trọng tâm của đề xuất này chính là thắt chặt chi tiêu công, đầu tư công. Khi đạt được điều này, chính sách tiền tệ sẽ đảm nhiệm vai trò chính trong việc nới rộng hay thắt chặt tiền tệ. Trong trường hợp mở rộng tiền tệ, theo ông Cung, cần chuyển qua khu vực tư nhân nhiều hơn. Như vậy, lạm phát sẽ ổn định khoảng 5 đến 6%".

Rõ ràng, bài học của điều hành chính sách năm vừa rồi có nhiều điều đáng nói. Chính sách tiền tệ được đánh giá còn giật cục, đôi khi chậm nhịp so với thị trường, như vấn đề sàn vàng, vấn đề đua nhau tăng lãi suất. Bên cạnh đó, cũng cần có sự nhịp nhàng hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bởi rất khó kiểm soát lạm phát và bất ổn thị trường khi cả hai chính sách cùng nới lỏng như trong năm vừa rồi. Dưới góc độ nhà quản lý, rút ra bài học cho năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, cho rằng: "Năm 2010 để lại cho năm 2011 không ít thách thức khó khăn, nhưng cũng có thuận lợi cho nền kinh tế. Trước hết về thuận lợi, chúng ta đã lấy được đà tăng trưởng, rồi bước đầu thực hiện một số chương trình đầu tư - trong đó có đầu tư công mang lại hiệu quả, tạo tiền đề cho nền kinh tế trong thời gian tới. Nhưng, bên cạnh đó, thách thức cũng không phải là ít. Đó là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, đó là vấn đề chỉ số lạm phát cao... Do vậy, năm 2011 chúng ta phải tiếp tục 3 giải pháp đột phá mà trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã nêu, đó là tháo gỡ nút thắt cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thể chế".

 Năm 2011, mục tiêu tăng trưởng kinh tế nước ta là 7,5%. Với những cơ hội thuận lợi như nền kinh tế thế giới đã phục hồi, thuận lợi hơn cho xuất khẩu. Sản xuất trong nước cũng đang có những tín hiệu tốt.  Tuy nhiên, thách thức không nhỏ khi lãi suất và lạm phát vẫn chịu áp lực. Giá nhiều mặt hàng có thể tăng giá năm 2011, như xăng dầu, than, điện... Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề là cần thắt chặt chi tiêu đầu tư công, sử dụng chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô. Nếu không, để đạt tăng trưởng cao, chúng ta sẽ vẫn phải đánh đổi như năm 2010. Thông điệp chính sách rõ ràng, xuyên suốt cũng là điều kiện cần để tạo lòng tin trong nhân dân, giúp các thị trường ổn định hơn và các chính sách vĩ mô phát huy tác dụng ngay từ hôm nay, 1/1/2011.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)