TIN TỨC
HƯỚNG DẪN KIỂM TOÁN TỪ XA CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

(khoahockiemtoan.vn) - Thực hiện quyết định số 25/QĐ-TrĐT ngày 17/3/2025 của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2024, ngày 10/4/2025, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán từ xa” do Ths. Vũ Thị Minh Thu (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) làm chủ nhiệm. ThS Trần Kim Lộc, Giám đốc Trường làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.

Đại diện ban đề tài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

 

Kiểm toán từ xa là phương thức mà Kiểm toán viên nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tương tác với đơn vị được kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán điện tử, làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán mà không phụ thuộc vào vị trí làm việc của Kiểm toán viên nhà nước. Kiểm toán từ xa không phải là loại hình kiểm toán mới, đây là một phương thức, cách thức kiểm toán áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể. Bản chất của phương thức kiểm toán từ xa là việc tăng cường kiểm toán tại trụ sở Kiểm toán nhà nước, thu thập tài liệu, thông tin và thực hiện kiểm toán bằng phương thức từ xa để hình thành ý kiến kiểm toán. Dựa vào trình độ công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng các công cụ kiểm toán từ xa của Kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán, có thể chia thành kiểm toán từ xa một phần và kiểm toán từ xa toàn diện.

 

Theo Ban đề tài, kiểm toán từ xa và kiểm toán truyền thống có nhiều điểm khác biệt, chủ yếu liên quan đến phương pháp, công cụ và cách thức thực hiện như: phương pháp tiếp cận; công cụ sử dụng; thời gian và chi phí; tính linh hoạt; bảo mật dữ liệu; tương tác với khách hàng; độ chính xác và hiệu quả; khả năng mở rộng. Đối với kiểm toán từ xa, một vấn đề quan trọng đó là cần xác định được quy trình nào, hoạt động nào hay địa điểm nào của đơn vị được kiểm toán có thể thực hiện được kiểm toán từ xa một cách hiệu quả thông qua việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông. Rủi ro kiểm toán từ xa cũng có nhiều điểm tương đồng với rủi ro kiểm toán truyền thống. Tuy nhiên, đối với kiểm toán từ xa, có thể có một số rủi ro riêng như: Tính xác thực của bằng chứng, vấn đề an ninh, tầm nhìn hạn chế, các thách thức về truyền thông, các vấn đề về công nghệ.

 

ThS Trần Kim Lộc, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, phát biểu kết luận

 

Năm 2022, Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VI đã thực hiện cuộc kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đây là loại hình kiểm toán mới và lần đầu tiên được Kiểm toán nhà nước thực hiện, tạo tiền đề bước đầu để Kiểm toán nhà nước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của VNPT đã đạt kết quả tốt với nhiều nội dung, phát hiện, kiến nghị quan trọng. Việc kiểm toán từ xa trên môi trường số đã mở ra một hướng đi, hình thức kiểm toán mới; tạo lập được cơ sở dữ liệu về cơ cấu tổ chức bộ máy, tình hình kinh doanh và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán; giảm thiểu tác động của các yếu tố khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai… và góp phần tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

 

Trên cơ sở thực trạng kiểm toán từ xa của Kiểm toán nhà nước, ban đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán từ xa, bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; Đào tạo, bồi dưỡng hình thành nguồn nhân lực kiểm toán chất lượng cao; Giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán từ xa.

 

Đánh giá về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị của đề tài. Đề tài đặc biệt có giá trị ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của Ngành. Hiện tại, Kiểm toán nhà nước đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán từ xa kèm theo Quyết định số 243/QĐ-KTNN ngày 21/02/2025. Để nâng cao cả về số lượng và chất lượng các kiểm toán từ xa, thời gian tới, tất cả các đơn vị cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả kiểm toán từ xa trên cơ sở hướng dẫn kiểm toán đã ban hành. Đề tài trên cơ sở đó cũng cần bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo chất lượng nghiên cứu.

 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

PV


TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)