TIN TỨC
KIỂM TOÁN ĐIỀU TRA TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN

(khoahockiemtoan.vn) - Thực hiện Quyết định số 1712/QĐ-KTNN ngày 16/10/2024 của Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023, chiều 27/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán” do CN. Nguyễn Văn Hiệu - Kiểm toán nhà nước khu vực IX và ThS. Nguyễn Thanh Hà - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do TS. Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch.

 

 

Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thông qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, lỗ hổng của cơ chế, chính sách gây thất thoát lớn nguồn lực quốc gia; đồng thời, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công. Mặc dù chất lượng kiểm toán không ngừng được cải thiện, nhất là những năm gần đây, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa giải đáp được thỏa đáng, kịp thời các vấn đề bc xúc của xã hội, nhất là về tình trạng lãng phí, tham nhũng, thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là chúng ta chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền kiểm toán điều tra tham nhũng. Để nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng. Điều đó đòi hỏi Kiểm toán nhà nước phải tiến hành điều tra, xác minh những sai phạm về kinh tế tài chính thông qua việc thực hiện cuộc kiểm toán điều tra và áp dụng các phương pháp kiểm toán điều tra để thu thập chứng cứ, bằng chứng kiểm toán xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta vấn đề kiểm toán điều tra nói chung và phương pháp kiểm toán điều tra nói riêng còn rất mới mẻ chưa được nhận thức và nghiên cứu đầy đủ; chưa có quy định pháp lý cụ thể về thẩm quyền điều tra tham nhũng.

 

Với mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và áp dụng phương pháp kiểm toán điều tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề tài “Vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán” được xây dựng thành 3 chương, trong đó chương 1 nghiên cứu cơ sở lý luận về vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; trình bày thực trạng vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước Việt Nam và bài học kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất giải pháp xây dựng và áp dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

 
 

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong việc tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước (Kiểm toán nhà nước) đối với việc nâng cao tính minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt trong bối cảnh công cuộc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang được đẩy mạnh. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về kiểm toán điều tra và phương pháp kiểm toán điều tra, phân tích thực trạng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước liên quan đến các phát hiện kiểm toán chuyển cho cơ quan điều tra, đề tài đã đề xuất một số phương pháp áp dụng cho cuộc kiểm toán điều tra; đồng thời kiến nghị các điều kiện tăng cường hoạt động kiểm toán điều tra của Kiểm toán nhà nước.

 

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị Rà soát, biên tập làm nổi bật tính cấp thiết phải vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, đề tài cần phân định rõ các phạm trù “phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán” và “phương pháp kiểm toán áp dụng trong cuộc kiểm toán điều tra”; “phương pháp kiểm toán điều tra” và “kiểm toán điều tra”; “kiểm toán điều tra” và “điều tra hình sự” để khẳng định đối tượng và nội dung nghiên cứu. Đề tài cần làm rõ đặc thù của kiểm toán điều tra tác động tới việc vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra.

 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)