TIN TỨC
KIỂM TOÁN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 19/12/2024, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Tổ chức thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Kiểm toán nhà nước ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Võ Sỹ Nam (Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực X) và ThS. Hoàng Văn Cường (Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VI) làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do TS Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nói chung và đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT) nói riêng ở nước ta trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi cần phải được giải quyết về cơ chế, chính sách, về tổ chức thực hiện, tính minh bạch và hiệu quả của dự án BOT, BT xuất phát từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với các dự án PPP trong thời gian gần đây.

 

Trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực (01/01/2021), Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán toàn bộ các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT đã phát hiện nhiều bất cập của cơ chế, chính sách, chỉ ra nhiều lỗ hổng trong quản lý dự án đầu tư gây thất thoát lớn nguồn lực quốc gia. Đề tài Tổ chức thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Kiểm toán nhà nước ở Việt Nam hiện nay” do đó được tiến hành nhằm hệ thống hóa những vấn đề lý luận về thực hiện kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Kiểm toán nhà nước; đánh giá thực trạng kiểm toán dự án đầu tư PPP của Kiểm toán nhà nước Việt Nam; nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào thực tiễn kiểm toán của Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam hiện nay.

 

Đề tài đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cụ thể như sau: Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập và vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán dự án đầu tư PPP; Hai là, tổ chức thực hiện Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư PPP; Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư nói riêng; Năm là, Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; Sáu là, tăng cường hợp tác quốc về kiểm toán dự án đầu tư PPP. Ngoài các giải pháp nêu trên, đề tài còn kiến nghị các điều kiện để bảo đảm tính khả thi của các giải pháp.

 

 

Đánh giá về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và lý luận, đã hệ thống được những vấn đề lý luận cơ bản về kiểm toán các dự án PPP của Kiểm toán nhà nước; tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán các dự án PPP ở Kiểm toán nhà nước với những nhận định, đánh giá dựa trên cơ sở thực tiễn và phản ánh một cách khách quan và khoa học tình hình thực tế của Kiểm toán nhà nước. Đề tài đã định hướng và các giải pháp được đề xuất sát thực, có tính khả thi về việc tổ chức kiểm toán dự án PPP của Kiểm toán nhà nước.

 

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu cần làm rõ các nội dung trong các hướng dẫn quốc tế có giá trị tham khảo để có khuyến nghị phù hợp cho việc thực hiện dự án kiểm toán dự án PPP tại Việt Nam cũng như cân nhắc bổ sung kinh nghiệm về việc thành lập một đơn vị đầu mối riêng thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm toán mới làm căn cứ đưa ra nhận định và kiến nghị về tổ chức bộ máy. Cần trình bày, đánh giá, nhận xét thuyết phục hơn các quy định pháp luật liên quan đến Kiểm toán nhà nước, phạm vi, đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; tài sản công; phạm vi, nội dung, thời điểm kiểm toán các nội dung về dự án PPP; các quy định pháp luật liên quan đến Kiểm toán nhà nước, phạm vi, đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; tài sản công; kiểm toán các nội dung về dự án PPP. Rà soát các nội dung đánh giá thực trạng, đảm bảo tính tương thích về phạm vi thời gian nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu về việc tổ chức thực hiện kiểm toán do đó cần tập trung giải quyết các vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện gắn với quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước...

 

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)