TIN TỨC
KIỂM TOÁN BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 12/12/2024, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Kiểm toán bình đẳng giới và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Hà Minh Tuấn (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán)  và Ths. Nguyễn Tất Thắng (KTNN chuyên ngành V) làm đồng chủ nhiệm. TS Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới. Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, trong thời gian qua, Việt Naam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, ban hành các chiến lược, kế hoạch thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Do tầm quan trọng toàn cầu của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các cam kết khác của quốc gia về bình đẳng giới. Các cơ quan kiểm toán tối cao có vị trí đặc biệt để thúc đẩy các cam kết về bình đẳng giới. Nằm trong xu thế chung, cơ quan Kiểm toán nhà nước đang đẩy mạnh mô hình kiểm toán hoạt động đối với chủ đề các mục tiêu phát triển bền vững, các chương trình chính sách kinh tế - xã hội… trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới.

 

Đối với Việt Nam, kiểm toán bình đẳng giới là một lĩnh vực mới. Hiện nay, Kiểm toán nhà nước chưa có quy trình, khung hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm toán bình đẳng giới hay có nguồn tiêu chí chung về kiểm toán bình đẳng giới. Vì vậy, để triển khai các quan điểm, mục tiêu, nội dung, hội nhập quốc tế và nghiên cứu khoa học làm tiền đề cho việc phát triển các loại hình kiểm toán mới thì việc phát triển loại hình kiểm toán bình đẳng giới là phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

 


 

Đề tài “Kiểm toán bình đẳng giới và vai trò của Kiểm toán nhà nước” tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về kiểm toán bình đẳng giới, tham khảo những cách thức triển khai trên thế giới về kiểm toán bình đẳng giới để rút ra những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho KTNN Việt Nam. Đề tài đồng thời xây dựng khung hướng dẫn kiểm toán bình đẳng giới phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò kiểm toán bình đẳng giới của Kiểm toán nhà nước. Ngoài phần mở đầu, kết luận và các phụ lục kèm theo, Đề tài gồm có 3 chương: Chương 1 -  Cơ sở lý luận về  bình đẳng giới và kiểm toán bình đẳng giới; Chương 2 - Thực trạng bình đẳng giới, kiểm toán bình đẳng giới tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế và Chương 3 - Giải pháp nâng cao vai trò kiểm toán bình đẳng giới của Kiểm toán nhà nước.

 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá cao chủ đề và sự công phu của Ban đề tài khi nghiên cứu nhiều tài liệu trong nước và quốc tế. Đề tài cũng phù hợp với xu thế của các cơ quan kiểm toán trên thế giới là đẩy mạnh mô hình kiểm toán hoạt động. Việc lựa chọn nghiên cứu đề tài đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn hiện nay. Đề tài đã phân tích kinh nghiệm kiểm toán bình đẳng giới của cơ quan kiểm toán và rút ra bài học kinh nghiệm cho kiểm toán bình đẳng giới của KTNN Việt Nam. Đồng thời, đề xuất được các giải pháp thực hiện kiểm toán bình đẳng giới do KTNN thực hiện. Các giải pháp được đề xuất có tính hệ thống, cụ thể và khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế, có tính ứng dụng cao với KTNN Việt Nam.

 


 

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng khoa học kiến nghị Ban đề tài làm rõ bình đẳng giới là một chủ đề kiểm toán và có thể áp dụng các loại hình kiểm toán khác nhau (kiểm toán tuân thủ, tài chính, hoạt động). Đồng thời, cần có cách tiếp cận cuộc kiểm toán chuẩn ngay từ đầu. Ngoài ra, Ban đề tài làm rõ nội dung kiểm toán bình đẳng giới là cần thiết và cách thức KTNN sẽ triển khai để cuộc kiểm toán đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất, phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế.

 

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại xuất sắc.

PV



TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)