Việc thực hiện kiểm toán chuyên đề với phạm vi toàn ngành về quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại các bộ ngành, địa phương là hoạt động kiểm toán quan trọng để cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm của KTNN được Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường quy định. Thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể như: Công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quản lý điều hành, cơ chế, chính sách; công tác hoàn thiện khung pháp lý về thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa ban hành hoặc đã ban hành nhưng nội dung chưa thể hiện đầy đủ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, quy định hiện hành; Công tác lập, giao, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí còn sai sót; công tác xử lý số dư cuối năm cũng còn một số hạn chế;...
Để nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, một số giải pháp cơ bản được đề xuất như:
Về đề cương kiểm toán. Cần có phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành trong quá trình xây dựng Đề cương kiểm toán đảm bảo bao quát đầy đủ nội dung, thuận lợi trong tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm toán. Tổ chức tập huấn kịp thời Đề cương kiểm toán, các văn bản pháp luật có liên quan cho đội ngũ kiểm toán viên trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán. Có thể mời các chuyên gia ngoài ngành để cung cấp các kiến thức về đấu thầu và đặt hàng dịch vụ công ích nhằm nâng cao chất lượng các phát hiện và kiến nghị.
Về nhân sự kiểm toán. Các Đoàn kiểm toán cần bố trí nhân sự có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu về lĩnh vực môi trường thực hiện xuyên suốt các giai đoạn kiểm toán. Đẩy mạnh việc kết hợp và tham khảo ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý và nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu để đưa ra phương hướng, phương pháp kiểm toán phù hợp.
Về thực hiện kiểm toán. Các Đoàn kiểm toán tổ chức thu thập các bằng chứng kiểm toán một cách đầy đủ, thích hợp cho các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Các đánh giá, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán cần dẫn chiếu đầy đủ, rõ điều khoản văn bản quy phạm pháp luật; số liệu kiến nghị phải có bằng chứng.
Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các đơn vị được kiểm toán; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng quát để đảm bảo tính chính xác của thông tin thu thập, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Các Đoàn kiểm toán cần tăng cường sự phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định với các Vụ tham mưu và với đơn vị chủ trì trong quá trình kiểm toán và trong quá trình thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán.
PV