GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: X.HỒNG
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, cơ cấu lại tài chính công là một bước quan trọng để cải cách quản lý tài chính công, đảm bảo rằng các nguồn lực được phân bổ hợp lý và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Vừa qua, Việt Nam đã ký cam kết tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) với mục tiêu trọng tâm là thực hiện các ESG (môi trường - xã hội - quản trị) hướng tới phát triển bền vững, trong đó có nội dung liên quan đến phát triển bền vững tài chính công. Vì thế, Việt Nam cần quan tâm để cải cách lại tài chính công, cơ cấu lại tài chính công theo hướng bền vững.
Có thể thấy, cơ cấu lại tài chính công là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhằm xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, hướng tới đạt các tiêu chuẩn ESG.
Quang cảnh Hội thảo
Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, với vị thế là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và với nguyên tắc hoạt động: “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, KTNN có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực các thông tin, báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng tài chính công, việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tài chính công hiệu lực, hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện nhiều vấn đề hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, từ đó đưa ra các kiến nghị để khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính - ngân sách. Các kiến nghị, đề xuất xử lý tài chính của KTNN đã góp phần không nhỏ làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại tài chính công, cũng như phát huy vai trò của KTNN trong cơ cấu lại tài chính công còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, KTNN tổ chức Hội thảo: “Đẩy mạnh cơ cấu lại tài chính công và vai trò của Kiểm toán nhà nước” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán tài chính công, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại tài chính công.
Kể từ khi thành lập (năm 1994) đến nay, KTNN đã tiến hành khoảng 3.600 cuộc kiểm toán. Thông qua các cuộc kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 750.000 tỷ đồng. Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với thực tế.
Theo gợi mở của GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng; nhận diện rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của quá trình cơ cấu lại tài chính công trên các khía cạnh thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), cân đối NSNN; nợ công; đầu tư công; cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; tài chính của doanh nghiệp nhà nước…
Đồng thời, các đại biểu cùng đánh giá về vai trò của KTNN đối với cơ cấu lại tài chính công thông qua hoạt động kiểm toán; từ đó đề xuất các giải pháp căn bản để tiếp tục nâng cao vai trò của KTNN đối với cơ cấu lại tài chính công nhằm góp phần đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại tài chính công.
Tại Hội thảo, các diễn giả trình bày tham luận về việc cơ cấu lại tài chính công và vai trò của KTNN; khuyến nghị đối với việc phân bổ, sử dụng nguồn lực công; quản lý nợ công và một số vấn đề đặt ra.
Cùng với đó, đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN sẽ tham luận về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập - Những vấn đề cần lưu ý qua kiểm toán; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu dưới góc nhìn của KTNN...
“Trên tinh thần khoa học, thẳng thắn và cởi mở, mong rằng các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
PV