KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ QUAN KIỂM TOÁN TỐI CAO TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG TÍNH MINH BẠCH, LIÊM CHÍNH CÔNG VÀ QUẢN TRỊ TỐT

(khoahockiemtoan.vn) - Sáng 09/7, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước, là diễn đàn để các SAI và tổ chức quốc tế cùng đóng góp tiếng nói và đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức về phòng chống tham nhũng, rửa tiền trước bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các SAI cũng như nỗ lực của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong suốt thời gian qua.

 

Tham dự Hội thảo, có ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, đại diện các SAI và các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tại Việt Nam. Về phía Kiểm toán nhà nước, có Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị trong ngành.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chào mừng tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định “30 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong phát triển Kiểm toán nhà nước thành công cụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài chính công, tài sản công; cung cấp kịp thời thông tin, báo cáo kiểm toán cho Quốc hội phục vụ chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đóng góp quan trọng vào việc kiểm tra, kiểm soát tài chính, tài sản công và phê chuẩn quyết toán cho các địa phương đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.”

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp Kiểm toán nhà nước Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công, những lĩnh vực kiểm toán mới của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán…; đồng thời tạo cơ hội để Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham gia, đóng góp một cách tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới.

 

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, xuất phát từ yêu cầu chống tham nhũng của các quốc gia, yêu cầu bảo vệ công quỹ - đối tượng kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán tối cao, đặc biệt là do hiệu quả, hiệu lực hoạt động và uy tín của Cơ quan Kiểm toán tối cao ngày càng tăng, tại một số quốc gia, Cơ quan Kiểm toán tối cao có vai trò chủ động hơn trong chống tham nhũng, gồm cả phát hiện và công bố những lĩnh vực có rủi ro tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong chống tham nhũng và công khai kết luận, kiến nghị kiểm toán rộng rãi hơn.

 

Vai trò đó của Cơ quan Kiểm toán tối cao trong phòng, chống tham nhũng thể hiện trên 4 nội dung: (1) Đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; (2) Phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng; (3) Thúc đẩy quản trị tài chính lành mạnh và kiểm soát nội bộ mạnh; (4) Đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo giúp ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng, gian lận, hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử. Qua khảo sát các quốc gia cho thấy, đối với nhiệm vụ chống tham nhũng, đa số các Cơ quan Kiểm toán tối cao chỉ thực hiện vai trò ngăn chặn và phòng ngừa. Một số ít Cơ quan Kiểm toán tối cao có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chống tham nhũng như kiểm toán điều tra, kết luận, xét xử, xử phạt… hành vi gian lận, tham nhũng.

 

Các đại biểu thảo luận tại Hội trường

 

Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã từng bước trưởng thành, gặt hái được nhiều thành tựu, khẳng định vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan kiểm toán tối cao cũng như các tổ chức quốc tế một lần nữa khẳng định vai trò của các SAI trong phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)