TIN TỨC
THÚC ĐẨY PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - NHỮNG NÚT THẮT VÀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

(khoahockiemtoan.vn) - Với địa vị pháp lý đã được hiến định, KTNN có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói riêng và quản lý kinh tế nói chung. Những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, hoạt động KTNN luôn bám sát các đường lối, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng của thực tiễn. Kết quả kiểm toán, nhất là các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành đã chỉ ra những nút thắt, điểm nghẽn của cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến các động lực của nền kinh tế. Để góp thêm những nhìn nhận và giải pháp góp phần tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời làm rõ vai trò và trách nhiệm của KTNN trong xây dựng chính sách pháp luật, giám sát và hỗ trợ việc thực thi pháp luật, diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” được tổ chức với 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề bao gồm: “Quản lý đất đai và xác định giá đất - những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước”; “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước”; “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

 

Tọa đàm tại Hội thảo chuyên đề về “Quản lý đất đai và xác định giá đất - những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước”

 

Phiên chuyên đề 1 “Quản lý đất đai và xác định giá đất - những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì với sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành, các địa phương, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh; Đại diện Ngân hàng thế giới (WB). Thông qua 3 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo và các ý kiến thảo luận tại chỗ đã cơ bản làm rõ và phân tích được sâu sắc bản chất, nguyên nhân của những bất cập, vướng mắc, tồn tại – hay nói cách khác, chính là những “nút thắt” cơ bản hiện nay trong công tác quản lý và sử dụng đất đai và định giá đất. Các vướng mắc được đề cập liên quan đến cơ chế chính sách; công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; về thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về quản lý việc sử dụng đất sau khi được giao, cho thuê; về giá đất và định giá đất. Trên cơ sở nhận diện các vướng mắc, bất cập, Hội thảo đã chỉ ra những giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh vai trò của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước phải xây dựng nhiệm vụ và tập trung vào việc kiểm toán để phát hiện các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, về tổ chức bộ máy quản lý, để góp tiếng nói cùng các địa phương với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành để kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện. Đồng thời, qua kiểm toán, cũng cần có những kiến nghị để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

 

Tọa đàm tại Hội thảo chuyên đề về “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước”

 

 Phiên chuyên đề 2 “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì với sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đại diện các đơn vị trong toàn ngành. Thông qua các tham luận và ý kiến trao đổi, Hội thảo đã đánh giá tổng quan về bức tranh đầu tư công, cả thành tựu cũng như vướng mắc. Hội thảo cũng đã chỉ ra các “nút thắt” đầu tư công về cơ chế chính sách; nguồn vốn; công tác kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; về nguyên vật liệu; về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; và về tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Hội thảo thống nhất và nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của đầu tư công đối với nền kinh tế; việc khơi thông nguồn vốn đầu tư và nhiệm vụ then chốt, trọng tâm trong thời gian tiếp theo. Hội thảo cũng đã ghi nhận vai trò hết sức quan trọng của KTNN đối với hoạt động đầu tư công. Với địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, hoạt động kiểm toán đã góp phần làm minh bạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công; nâng cao trách nhiệm giải trình; thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị các hoạt động đầu tư; phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thông nhất, thiếu đồng bộ, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế về đầu tư công, kiến nghị và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán đối với đầu tư công, các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng trong thời gian tới, KTNN cần nâng cao chất lượng khi tham gia ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng Kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm bám sát các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công, tập trung vào những dự án trọng điểm; đổi mới phương thức kiểm toán phù hợp với thực tiễn; ngoài việc kiểm toán tuân thủ cần tập trung kiểm toán để đánh giá, kiến nghị về các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư; và đặc biệt phải tiếp tục nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước.

 

Tọa đàm tại Hội thảo chuyên đề về “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”

 

Phiên chuyên đề 3 “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng chủ trì với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; đại diện các Công ty kiểm toán, lãnh đạo đại diện các tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển Khu kinh tế - Khu công nghiệp, các Doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp và đại diện các đại sứ quán. Trọng tâm của các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại phiên Hội thảo chuyên đề 3 tập trung vào các vấn đề: (1) Những khó khăn, vướng mắc thường gặp và giải pháp trong công tác quy hoạch, phát triển các KCN-KKT ở các địa phương. (2) Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các KCN-KKT (3) Những vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương. (4) Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm toán công tác quản lý môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. (5) Vai trò của cơ quan KTNN trong công tác phát triển các KCN-KKT. Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Hội thảo cũng đã ghi nhận vai trò hết sức quan trọng của KTNN đối với công tác đầu tư, phát triển KKT-KCN. Trong đó, thông qua hoạt động kiểm toán, làm rõ hơn các bất cập, hạn chế và các ảnh hưởng tới sự phát triển của các KKT, KCN, góp phần đưa ra các giải pháp, chính sách quản lý nguồn lực công đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả, vai trò của các KKT, KCN, CCN. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán đối với công tác đầu tư, phát triển KKT-KCN, các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng trong thời gian tới, KTNN cần nâng cao chất lượng khi tham gia ý kiến chủ trương quy hoạch đầu tư, phát triển KKT-KCN; giám sát việc thực thi các cơ chế chính sách, quy định pháp luật đối với KKT-KCN; đổi mới phương thức kiểm toán, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, công chức KTNN.

 

Tọa đàm tại phiên toàn thể

 

Chiều cùng ngày, trong phiên toàn thể, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, các kiểm toán trưởng tiếp tục thảo luận một số vấn đề chưa được làm rõ trong các phiên chuyên đề.

PV

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)