Bà Lan nói:
Một nền kinh tế phát triển
bền vững phải dựa trên 6 khía cạnh: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội, bảo
vệ môi trường, phát triển văn hóa, vấn đề con người và vấn đề dân chủ. Với
những thành tựu Việt Nam
đã đạt được trong vài năm gần đây, Đảng và Quốc hội cũng đã thừa nhận tốc độ
phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc
nhiều vào một số yếu tố bên ngoài, do đó nếu tăng trưởng mà không bền vững thì
sự lệ thuộc ngày càng lớn, càng dẫn tới yếu tố phát triển thiếu ổn định.
P.V: Đối với nước ta, trong 6
yếu tố để một nền kinh tế phát triển ổn định, các yếu tố mang tính chất kinh tế
còn nổi lên những bất cập gì, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Để nền kinh
tế tăng trưởng được 1% Việt Nam
cần rất nhiều vốn đầu tư mà chủ yếu là thông qua các nguồn vốn ODA, FDI. Điều
này chứa đựng sẵn những bất ổn. Trong khi đó từ nguồn vốn trong nước được huy
động từ nguồn thuế của dân và DN đã rất cao rồi nên không thể tăng thêm được
nữa vì sẽ làm giảm động lực phát triển của DN. Một vấn đề nữa của nền kinh tế
là chúng ta dựa quá lâu, quá nhiều vào lực lượng lao động giá rẻ, hiện tại
chúng ta đang rơi vào bẫy thu nhập giá rẻ. Một vấn đề khác nữa là nền kinh tế
Việt Nam
ưu ái quá lâu khối DN Nhà nước, dẫn đến thiếu công bằng với DN ngoài quốc
doanh. Do đó trong các chiến lược phát triển kinh tế, cần nhấn mạnh vào công
việc tái cấu trúc, trong đó chú trọng chất lượng hơn số lượng, hiệu quả hơn độ
lớn, kỹ năng hơn lao động giá rẻ, công nghệ hơn số lượng, phát triển kinh tế tư
nhân hơn đầu tư vào DN Nhà nước.
P.V: Tái cấu trúc nền kinh tế
vốn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua,
được thể hiện trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng 11. Tuy nhiên từ
chủ trương cho đến thực tế còn là một khoảng cách, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Khoảng cách
này trong nhiều trường hợp là vấn đề con người. Đơn cử như việc xả nước thải
của Vedan, không thể không nói là chúng ta chưa có các chế tài hay quy định cụ
thể mà vấn đề là ở con người. Ở đây các cấp quản lý không thực hiện đúng bổn
phận trách nhiệm của mình. Hoặc như để nền kinh tế phát triển ổn định rất cần
một chính sách cũng ổn định trong điều hành tiền tệ. Nhưng thực tế hiện nay cho
thấy từ chủ trương đến hành động đúng là còn một khoảng cách.
PV: Vậy các yếu tố không mang
tính kinh tế như công bằng xã hội, môi trường, con người, văn hóa có vai trò
như thế nào trong việc giữ phát triển ổn định một nền kinh tế?
Bà Phạm Chi Lan: Để phát
triển kinh tế nếu bỏ qua những yếu tố này chúng ta sẽ có rất nhiều những dòng
sông chết như sông Thị Vải, số sân gôn quá nhiều lấy hết đất nông nghiệp, tình
trạng người dân ven đô không có việc làm sau khi đã nhận đền bù đất cho các khu
công nghiệp...
Hiện nay vấn đề công bằng xã
hội đang bức thiết. Trước đổi mới, sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội là 3
lần, nay là 8,6 lần. Sự phân cấp lớn này tiềm ẩn những rủi ro mâu thuẫn trong
xã hội. Khi tài sản ngày càng được tích tụ trong tay một số ít người, đặc biệt
là nhóm người giàu lên từ đầu cơ đất đai thì khía cạnh khác đó là sự mất đất
của những người dân ven đô. Cùng với đó là sự xuống cấp trong đạo đức xã hội
hiện nay, kể cả trong giới công chức các ngành nhạy cảm như giáo dục, y tế đến
phần lớn người dân. Đây là những vấn đề xã hội đáng suy nghĩ trong khi nền kinh
tế đang phát triển không bền vững.
P.V: Môi trường xuống cấp là
một hệ quả trực tiếp từ sự phát triển không bền vững của nền kinh tế. Quan điểm
của bà về vấn đề này?
Bà Phạm Chi Lan: Vấn đề môi
trường tại hai khu vực kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM đang thực sự nghiêm
trọng, đặc biệt ô nhiễm môi trường sống. Tại hai thành phố này có những chỉ
tiêu về khói bụi, ô nhiễm nước sinh hoạt, các con sông... vượt chuẩn Việt Nam cũng như
cao hơn so với thế giới. Cùng với đó là vấn nạn tàn phá rừng, dẫn đến những
nguy cơ mưa lớn, lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng xã hội và kinh tế khiến Nhà nước
và người dân lại phải mất thời gian gây dựng lại. Khai thác và tận thu, XK
nguồn tài nguyên thô, ít giá trị XK cũng khiến chúng ta cạn kiệt tài nguyên,
đến khi xây dựng được nhà máy lọc dầu Dung Quất thì nguồn dầu trong nước sắp
cạn kiệt, sắp tới dự kiến sẽ phải NK dầu nguyên liệu.
P.V: Xin cảm ơn bà!