Dự báo tăng trưởng GDP quý III/2010 đạt khoảng 7,18% và cả năm
2010 tăng khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu trên 6,5% đã được Quốc hội thông qua. Đã
có hàng loạt chính sách tài chính - tiền tệ được bổ sung, sửa đổi, triển khai
thực hiện kịp thời nhằm góp phần đưa Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Bối cảnh mới, thách thức mới
Năm 2010, dù còn nhiều chật vật nhưng được
dự báo là năm nền kinh tế thế giới phục hồi. Trong xu thế phục hồi chung của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã
có những chuyển biến tích cực. Theo các chuyên gia kinh tế, cũng như
nhiều định chế tài chính cho rằng, góp phần vào sự tăng trưởng khả quan đó phải
kể đến sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ trong thời
gian vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Đến thời điểm hiện
nay, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, phát triển ổn định; các
giải pháp kích thích kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã phát huy tác dụng, góp
phần đưa nền kinh tế vượt qua được khó khăn, bước đầu có những chuyển biến tích
cực và có dấu hiệu phục hồi: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bảo đảm được các cân
đối lớn; sản xuất công nghiệp, xây dựng dần phục hồi và liên tục tăng; khu vực
dịch vụ giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh; tình hình chính trị, xã hội ổn định,
công tác an sinh xã hội được chú trọng, nhất là các lĩnh vực giáo dục, y tế,
xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn
xã hội tiếp tục được giữ vững...
Trong năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015,
mục tiêu mà Chính phủ đề ra là tập trung phấn đấu quyết liệt phát triển kinh tế
với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu,
tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ
động hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó chú trọng tập trung ổn
định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân
lực; chú trọng đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh
vực trọng yếu của nền kinh tế; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Có thể nói năm 2010 - năm bản lề - có tầm
quan trọng đặc biệt với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam. Đây
là năm cuối cùng nước ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 5 năm
2006- 2010; là thời cơ để thực hiện chương trình tổng thể tái cấu trúc hoạt
động sản xuất theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, khắc phục những tồn tại yếu
kém, tạo bước khởi đầu cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh
tế- xã hội 5 năm tiếp theo (2011- 2015). Năm nay còn được coi là ngưỡng cửa
bước vào giai đoạn nước rút đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm
2020 và để Việt Nam bước ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp.
Đất nước bước vào giai đoạn 2011-2020 với
một vị thế hoàn toàn mới, ở vào nhóm các nước thu nhập trung bình. Trong nước,
quá trình đổi mới đã thiết lập được một khung thể chế tài chính định hướng thị
trường, hình thành hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu. Đổi mới, mở cửa
nền kinh tế cũng đã khơi thông được thị trường
hàng hóa, dịch vụ và tài chính trong nước, trên khu vực và trên thế
giới. Bên ngoài, xu hướng hoà bình, hợp tác và phát triển là xu hướng chủ đạo.
Hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu và những cải cách cơ cấu tài chính, kinh tế
sẽ tạo những động lực phát triển mới trong 10 năm tới. Sự phát triển của các
liên kết kinh tế khu vực và sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc
gia khác như Bra-xin, Nga đã và sẽ tạo ra một thế giới đa cực, tạo điều kiện và
thúc đẩy cạnh tranh toàn cầu hơn nữa. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là
công nghệ thông tin, công nghệ sinh học tạo ra những cơ hội chưa từng có đối
với các nước đi sau như Việt Nam. Sự dịch chuyển tâm điểm của phát triển kinh
tế thế giới sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng tạo ra những thuận lợi
đáng kể cho đất nước trong giai đoạn 2011-2020.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh
tế hiện nay, điều hành ngân sách 2010 và một số năm tiếp theo của nước ta chắc
chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách .
Các nghiên cứu cho thấy, tác động của
khủng hoảng tài chính toàn cầu tới NSNN diễn ra qua hai kênh: Kênh chủ động:
Các tác động tới NSNN do thay đổi cơ chế, chính sách nhằm đối phó với khủng hoảng;
Kênh bị động (các tác động tự thân tới NSNN, do các yếu tố cấu thành thay đổi
ngay cả khi chưa tính tới các thay đổi cơ chế, chính sách)
Đối với thu NSNN, các tác động chủ động của khủng hoảng tới
NSNN chủ yếu là do việc miễn, giảm, giãn thời hạn thu thuế của chính phủ, nhằm
giảm bớt các khó khăn cho khu vực sản xuất, kích cầu, ngăn chặn đà giảm sút
hoặc phục hồi nền kinh tế. Trong khi đó các tác động nội tại của khủng hoảng
tới thu NSNN chủ yếu là do việc thu hẹp cơ sở thu. Đối với các sắc thuế có thuế
suất lũy tiến từng phần, việc thu hẹp cơ sở thu sẽ đi kèm với mức thuế suất áp
dụng thấp hơn.
Đối với chi NSNN, các tác động chủ động của khủng hoảng nằm
ở những điều chỉnh cơ chế, chính sách, dẫn đến tăng chi, nhằm trực tiếp bù đắp
phần nào sự sụt giảm chi của các khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có
vốn đầu tư nước ngoài, nâng đỡ tổng cầu. Các tác động nội tại phần lớn liên
quan tới các chính sách an sinh, xã hội. Khủng hoảng diễn ra sẽ làm tăng các
đối tượng hưởng lợi của các chính sách này. Tổng chi sẽ tự động tăng ngay cả
khi không có thay đổi gì về cơ chế, chính sách của chính phủ.
Đối với Việt Nam, dễ nhận thấy rằng khủng hoảng tác động
tới thu NSNN qua cả hai kênh. Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng tới chi NSNN
chủ yếu nằm ở kênh chủ động. Mức độ tác động chủ động tới chi NSNN tương đối
hạn chế do việc điều chỉnh cơ chế, chính sách chi chịu ràng buộc về giới hạn
thâm hụt ngân sách (5%/GDP) và thu ngân sách có xu hướng giảm mạnh vào thời kỳ
khủng hoảng.
Nhiều quan điểm cho rằng việc Việt Nam sử dụng chính sách
tài khoá sẽ hiệu quả hơn chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chi tiêu
Chính phủ của Việt Nam đã đang ở mức rất cao (khoảng 30% GDP) so với mức tối ưu
được khuyến nghị (15-25% GDP). Việc sử dụng chính sách tài khoá cần đề phòng
lạm phát tăng đột biến vì Việt Nam đang có mức thâm hụt ngân sách lớn (thâm hụt
ngân sách năm 2007 là 5%, năm 2008 là 4,5% - IMF). Bởi vậy, việc tăng chi tiêu mạnh kéo theo gia tăng lớn
thâm hụt ngân sách là rất nguy hiểm. Vấn đề quan trọng là cần xác định lại cơ
cấu chi tiêu NSNN cho phù hợp thay vì thuần tuý tìm cách tăng chi.
Trong bối cảnh đó, về quan điểm, chính sách ngân sách cần
hướng vào việc kháng cự xu thế suy thoái kinh tế trong ngắn hạn (1-2 năm) nhưng
phải đảm bảo sự chủ động trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn hậu suy thoái
sau đó. Mục tiêu phải là đảm bảo cân đối ngân sách bền vững. Thực tế cho thấy,
chi NSNN của Việt Nam ở mức cao nhưng hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công còn
là khâu yếu. Việc điều chỉnh lại cơ cấu chi và cơ chế giám sát đầu tư để đảm
bảo tính hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Cần chủ động khống chế thâm
hụt NSNN ở mức không nguy hiểm cho nền kinh tế, chuẩn bị tốt cho giai đoạn hậu
khủng hoảng.
Một số khuyến nghị và đề xuất về chính
sách tài khóa hậu khủng hoảng:
Bước vào giai đoạn hậu khủng hoảng, đòi hỏi đặt ra là
xây dựng chính sách như thế nào để đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển ổn định,
vững chắc trong bối cảnh còn nhiều khó khăn... Đổi mới hoạch định chính sách tài chính (CSTC) thời kỳ hậu khủng hoảng là vấn đề thu hút được sự quan tâm của đông
đảo những người làm công tác quản lý tài chính, của các nhà khoa học và nghiên
cứu.
Thứ nhất, tăng cường vai trò
chủ động, tích cực điều tiết vĩ mô nền kinh tế của các CSTC và công cụ tài
chính. CSTC phải nhằm mục tiêu trước hết là nâng cao và tăng cường tiềm lực tài
chính quốc gia, đảm bảo tỷ lệ tích luỹ, tiết kiệm dành cho đầu tư toàn xã hội
đạt trên 40% GDP. Đồng thời, phải góp phần thiết lập và duy trì môi trường tài
chính lành mạnh, giải phóng các nguồn lực tài chính và sức sản xuất của nền
kinh tế, bồi dưỡng và mở rộng nguồn thu NSNN, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát
triển và duy trì các cân đối lớn trong nền kinh tế. CSTC phải gắn kết đồng bộ
với các chính sách kinh tế để định hướng và khuyến khích các DN và nhân dân đầu
tư, kinh doanh. Tôn trọng nguyên tắc công khai, công bằng, hiệu quả trong chính
sách động viên, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân. Đa dạng hoá các
công cụ và hình thức tổ chức tài chính, tiền tệ phi ngân hàng và các quỹ đầu
tư, các trung gian tài chính nhằm động viên và sử dụng có hiệu quả các nguồn
lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động sự
nghiệp.
Thứ hai, chính sách và giải pháp về thu NSNN: Ngành thuế tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp quản
lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng thuế, tăng cường chống
thất thu thuế, khai thác tăng thêm
nguồn thu cho NSNN, trong đó tập trung các giải pháp mang tính cải cách đột phá
như sau:
- Cơ quan
thuế các cấp thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá phân tích, dự báo những yếu
tố ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN trên địa bàn, làm rõ những khoản còn thất
thoát, các nguồn thu còn tiềm năng. Đặc biệt, tăng cường công tác phân tích, dự
báo những tác động bất lợi từ việc suy giảm kinh tế, những tác động bất thường
của giá cả, thị trường tín dụng trên thế giới và trong nước tác động đến tình
hình thu nộp NSNN của khối DN để có những đề xuất, kiến nghị giải pháp kinh tế
vĩ mô ngăn chặn đà suy giảm nguồn thu NSNN.
- Đẩy mạnh
cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; Tiếp tục rà soát và điều chỉnh tất cả
các thủ tục hành chính thuế theo chuẩn mực quốc tế, rút ngắn đến mức thấp nhất
thời gian tuân thủ thuế, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Ngành Thuế tiếp
tục theo dõi, phát hiện để có ý kiến đề nghị với các ngành, các cấp có thẩm
quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn, thị trường, giá cả, xử lý kịp
thời các cơ chế chính sách gây ảnh hưởng xấu đến tình hình SXKD của DN, tạo
điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển SXKD,
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Kiểm soát, xử lý
triệt để các khoản nợ đọng thuế, trình cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý
vướng mắc về nợ thuế, tập trung lực lượng triển khai các biện pháp thu hồi nợ
thuế; Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra
thuế trên cơ sở phân tích thông tin và tờ khai hàng tháng để lựa chọn những đối tượng có dấu hiệu gian lận thuế, bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra,
đặc biệt tập trung vào nhóm DN lớn, các Tập đoàn, Tổng công ty, các địa bàn trọng điểm có số thu lớn, các ngành hàng, các
lĩnh vực, các loại hình tổ chức có dấu hiệu thất thu lớn. Tập trung tổng hợp,
rà soát các kết quả sau thanh tra để có biện pháp xử lý đôn đốc, thu hồi kịp
thời các khoản mà thanh tra đã kết luận vào NSNN...
Thứ
ba, về chi NSNN:
- Tập trung và quản lý tốt các
nguồn lợi và lợi ích quốc gia. Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, cơ cấu lại
nguồn vốn và vốn đầu tư, tăng tỷ lệ chi NSNN theo tốc độ tăng trưởng kinh tế và
hiệu quả quản lý kinh tế. Ưu tiên tăng chi NSNN cho các mục tiêu chiến lược,
mục tiêu xã hội trọng điểm, cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cho phát triển nguồn
lực, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh những mặt hàng và lĩnh vực trọng điểm. Có
chính sách đầu tư thích đáng và cơ chế tài chính phù hợp của các vùng kinh tế
trọng điểm, làm động lực phát triển của cả nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện đầu
tư tốt hơn cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và các địa phương nghèo,
chậm phát triển.
- Đối với chi đầu tư phát triển, cần chú trọng nâng cao
hiệu quả của các khoản chi, không nên tăng chi nhiều vì kéo theo thâm hụt ngân
sách lớn gây ra nhiều hậu quả khó khắc phục sau khi suy thoái chấm dứt (thâm
hụt NSNN lớn, lạm phát cao). Không thiên về đầu tư vào các dự án thâm dụng vốn
và thâm dụng nhập khẩu mà chuyển sang các dự án sử dụng nhiều lao động. Mục
tiêu phải là tạo càng nhiều việc làm càng tốt. Đầu tư của NSNN cần được thực
hiện bình đẳng, tránh đổ vốn vào các DN lớn kém hiệu quả vì làm như vậy tình
trạng sẽ trầm trọng thêm. Nên chỉ tập trung xem xét chi đầu tư phát triển số
rất ít dự án lớn về cơ sở hạ tầng (đã gần hoàn thành, có ý nghĩa thực tế) để
duy trì và tạo việc làm, tiêu thụ vật liệu xây dựng đang tồn đọng.
- Các khoản chi, đặc biệt là chi hỗ
trợ (kể cả hỗ trợ tín dụng) cho các DN cần kèm theo nhiều điều kiện cụ thể.
Chính sách hỗ trợ cho các DN cần kèm theo điều kiện hạn chế việc thưởng hoặc
trả lương cao cho người quản lý, thời hạn hỗ trợ mang tính cứu giúp nên phải
ngắn, hiệu quả phải đo lường đuợc (số hoá), ngay khi DN không đáp ứng được thì
phải thu hồi. Tạo thêm việc làm hoặc giữ nguyên số nhân công của DN cũng là
điều kiện cần thiết với các DN. Với các DN đang thua lỗ, cần kiểm tra kỹ phương
án xin cứu trợ, hỗ trợ.
- Đối với chi thường xuyên, xem
xét tăng chi thường xuyên với lượng vừa đủ để tăng cường chi cho an sinh xã
hội, trợ cấp cho người có thu nhập thấp, chú trọng chi cho cứu trợ, khắc phục
hậu quả thiên tai, dịch bệnh,... Gia tăng hơn việc chi hỗ trợ tạo việc làm, hỗ
trợ mất việc làm (hoặc hỗ trợ DN để DN duy trì nhân công) vì mức độ “ngấm” suy thoái
trầm trọng hơn. Tuy nhiên, xét tổng thể cũng không nên tăng chi thường xuyên
nhiều mà cố gắng co kéo với mức dự toán ngân sách chấp nhận được.
- Cả chi đầu tư và chi thường
xuyên cần tăng cường cơ chế giám sát đồng thời rà soát để giảm những thủ tục
hành chính phiền hà không cần thiết, làm chậm hiệu lực đầu
Thứ tư, nâng cao năng lực,
hiệu lực của hệ thống giám sát tài
chính - tiền tệ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, kiểm soát chặt chẽ
các luồng vốn, các dòng chuyển dịch vốn (đặc biệt là vốn ngắn hạn), các khoản
vay nợ, trả nợ. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống giám sát bằng nghiệp
vụ, bằng tổ chức có sẵn trong bản thân công tác tài chính, bản thân từng quy
trình nghiệp vụ tài chính, kế toán. Tăng cường và nâng cao tính hiệu lực của hệ
thống giám sát nội bộ, bộ máy và quy trình kiểm soát nội bộ; đảm bảo mọi hoạt
động tài chính, sự luân chuyển của từng dòng tiền của Nhà nước, của Ngân khố
phải được kiểm tra, kiểm kê và giám sát thường xuyên, liên tục. Hoạt động tài
chính, tiền tệ của các tổ chức, các quỹ tài chính nhà nước, các trung gian tài
chính phải được giám sát từ xa, phải có hệ thống cảnh báo. Cần tạo dựng thói
quen công khai tài chính trong đời sống xã hội. Sử dụng phương pháp quản lý chi
tiêu theo kết quả đầu ra. Chuẩn bị tốt cho việc áp dụng chính sách chi tiêu
trung hạn. Coi trọng mục đích và kết quả sử dụng NSNN chứ không phải mức chi
hay mức cắt giảm chi NSNN.
Tóm
lại, vận hành CSTC thể hiện nghệ thuật điều hành và quản lý hoạt động tài
chính. CSTC phải phục vụ cho những mục tiêu tài chính cụ thể. CSTC cùng với
chính sách tiền tệ là một bộ phận cấu thành của chính sách kinh tế vĩ mô. CSTC
phải được thực tế cuộc sống chấp nhận. CSTC bao hàm tất cả các chủ trương, giải
pháp tài chính nhà nước, tài chính DN, tài chính dân cư; các chủ trương, giải
pháp về DNNN (thu, chi và cân đối), về vốn, tín dụng; về vốn và đầu tư phát
triển; về hoạt động kinh doanh và hiệu quả kinh tế... Triển khai tốt và tích
cực các CSTC sau khủng hoảng một cách chủ động sẽ góp phần xây dựng nền tài chính
quốc gia ổn định và năng động.
TS. Nguyễn Đức Minh
Tài liệu tham khảo:
- Forecasts and policy simulations for 2001 by a
macro-econometric model of Vietnam. Working Paper No:1, December 2000. CIEM.
-
Niên
Giám thống kê 1991 – 2009
-
Trang
Web Bộ Tài chính Mof.gov.vn
-
Trang
Web Bộ Kế hoạch và đầu tư Mpi.gov.vn
-
Imf.org.
World Economic Outlook Update