Cảnh giác với lạm phát
Diễn biến tình hình giá cả trên thị trường thời gian
qua được đánh giá là khá nóng. Một loạt thông tin về việc tăng giá xăng, giá
điện, giá than, giá nước liên tiếp được đưa ra, cùng những lo ngại về lạm phát
tăng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng và cũng tạo ra yếu tố tâm lý "chờ đợi"
một mặt bằng giá mới trên diện rộng hơn. Trước tình hình nêu trên, nhiều ý kiến
cho rằng, mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2010 dưới 7% như Nghị quyết của
Quốc hội càng khó thực hiện. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ về kinh
tế-tài chính-tiền tệ để bảo đảm không xảy ra tình trạng lạm phát cao như năm
2008.
Vấn đề lạm phát cũng đã trở thành nội dung
trọng tâm trong phiên họp thường kì Chính phủ tháng 2/2010. Các Bộ Kế hoạch -
Đầu tư, Tài chính cùng Ngân hàng nhà nước và Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia
đều có báo cáo chuyên đề về nội dung này tại phiên họp. Theo ông Lê Đức Thuý,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với việc gia tăng của giá cả dịp
Tết, nỗi lo lạm phát cao trở lại đang là tâm lí xã hội khá phổ biến. Thêm nữa,
cảnh báo trước đó về lạm phát do tác động của gói kích cầu cũng ảnh hưởng đến
tâm lí nhiều người. Trước tình hình như vậy, Chính phủ thấy cần phải phân tích
nghiêm túc vấn đề, liệu có đạt được mục tiêu lạm phát 7% như Quốc hội đề ra?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nỗi
lo cũng như sự cảnh giác trước nguy cơ
tái hiện lạm phát là chính đáng, tuy nhiên trong tình hình kinh tế của
đất nước hiện nay chưa có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại về vấn đề này. Các chuyên
gia cho rằng, nếu xét về con số, việc tăng giá 3,35% trong 2 tháng đầu năm nay không
có gì quá đột biến. Cụ thể, con số này xấp xỉ với mức tăng của 2 tháng đầu năm
trong những năm gần đây (từ 2003 đến 2009 lần lượt là 3,1%; 4,1%; 3,6%; 3,3%;
3,2%; 5,94%; 1,49%), trừ năm 2008 - năm lạm phát cao đột biến và năm
2009 - năm kéo lạm phát xuống thấp.
Thông thường mức tăng giá 2 tháng đầu năm chiếm đến
trên dưới 40% tăng giá của cả năm. Chính vì vậy theo các chuyên gia - chưa có
gì phải nói nhiều đến việc lạm phát cao quay trở lại, dù không thể chủ quan.
Đề cập về khả năng tăng giá của tháng 3 năm nay, một
số chuyên gia nhận định, có thể sẽ cao hơn mức bình thường của các năm do chúng
ta vừa trải qua thời kỳ liên tục điều chỉnh giá xăng cộng với 2 lần điều chỉnh
giá hối đoái trong thời gian ngắn cũng như tăng giá điện…Về mức tăng cụ thể của
tháng 3, Ủy ban Tài chính quốc gia dự báo, CPI sẽ tăng từ khoảng
0,5 - 1%, Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo khoảng 1%, trong khi Bộ Tài chính dự
tính từ 0,5 - 0,75%.
Tuy nỗi ám ảnh lạm phát chưa thể xuất hiện
trong bối cảnh hiện nay, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm soát giá của
chúng ta vừa qua còn yếu kém nên nhiều trường hợp nhà sản xuất, kinh doanh đẩy
giá quá mức hợp lý. Chính phủ cần rút kinh nghiệm về vấn đề này để làm tốt hơn trong
thời gian tới và cần quản lý chặt chẽ hơn với giá xăng dầu để làm sao việc điều
chỉnh mặt hàng này không đánh ra những tín hiệu xấu, khiến cho xã hội quá lo
lắng về việc tăng giá; cần xem lại cơ chế để không xảy ra việc điều chỉnh giá
xăng với mật độ dày đặc. Cùng đó, Chính phủ cũng nên ngay có biện pháp hạn chế việc tăng giá kiểu té nước
theo mưa đổi với nhiều mặt hàng. Chẳng hạn giá thép đã tăng ngay 5 - 10% sau
khi giá điện tăng là điều hết sức vô lý bởi lẽ, giá điện không thể chiếm đến
5- 10% giá thành của thép, trong khi giá điện cũng chỉ tăng trung bình
6,8%.
Nguy cơ tái lạm phát cao trong năm 2010 đã được đề cập
và dự báo từ cuối năm 2009, ngay khi Quốc hội thảo luận về các chỉ tiêu kinh
tế-xã hội năm 2010 và trong Thông điệp đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã
nhấn mạnh đến nguy cơ này, nên chúng ta đã đặt mục tiêu kinh tế năm 2010 là ưu
tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung các giải pháp để không xảy ra tái lạm
phát cao, đó là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường cho nền kinh tế phục hồi
tăng trưởng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau hai năm "sóng gió"
do tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Sẽ bình ổn giá cả một cách hiệu quả
Dư luận đang rất lo ngại vì khó thực hiện mục tiêu
tăng CPI 7%/năm trong năm 2010, nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đang tỏ quyết
tâm phấn đấu thực hiện. Và để lạm được điều này - yêu cầu ổn định kinh tế vĩ
mô, ngăn ngừa lạm phát là mục tiêu được đặt lên hàng đầu. Mới đây tại cuộc họp
báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc nhấn mạnh, không nên quá lo lắng về vấn đề tăng giá của hai tháng đầu năm,
chúng ta đủ khả năng để kiểm soát lạm phát và không để lạm phát tăng cao trở
lại. Song cũng không được coi thường và không để lạm phát cao quay trở lại.
Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản
xuất, kiểm soát triển khai đầu tư, nếu dự án nào kém hiệu quả thì phải
kiên quyết cắt bỏ.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê
Đức Thúy cho biết thêm, Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá và phân tích
những vấn đề liên quan đến lạm phát – bao gồm nguyên nhân và giải pháp, không
để lạm phát cao quay trở lại. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia có báo cáo
chuyên đề về vấn đề này. Một số giải pháp về chính sách giá, chính sách tiền tệ
(CSTT), chính sách tài khoá, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thị trường cũng
đã được các bộ ngành đề ra. Theo đó, năm 2010, sẽ tránh các hiện tượng “neo giá”
quá cao hoặc “đông giá” quá thấp một cách bất hợp lý, bất chấp sự thay đổi của
giá thị trường thế giới và các yếu tố hình thành giá. Đây là một trong những
nguyên tắc điều hành giá năm 2010 được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần
Văn Hiếu - đại diện Bộ Tài chính cho
biết trong cuộc họp giao ban báo chí mới đây.
Nhìn lại năm 2009, những sự kiện đáng quan tâm nhất
trong việc thực hiện chính sách này bao gồm: điều hành theo cơ chế giá thị
trường với xăng dầu, than bán cho sản xuất xi măng, điện, giấy, phân bón; điều
chỉnh một bước giá than bán cho điện nhằm tạo điều kiện cho việc điều chỉnh một
bước giá điện từ ngày 1/3/2010; một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá nước
sạch theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất…Để thực hiện mục tiêu
kinh tế - xã hội tổng quát của năm 2010, trong đó có mục tiêu đảm bảo ổn định
kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, Bộ Tài chính đưa ra những giải pháp
quan trọng về chính sách giá, bên cạnh các giải pháp về chính sách tiền tệ,
chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu và chính sách thị trường.
Cụ thể, chính sách giá 2010 sẽ tránh các hiện tượng
“neo giá” để giá cả ở mức cao bất hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường
thế giới hoặc “đông giá” ở thị trường trong nước quá thấp bất hợp lý trong
khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã
thay đổi. "Điều hành giá phù
hợp tín hiệu thị trường thế giới "có lên, có xuống" nhưng đồng thời
cũng tránh tình trạng thụ động, không thả nổi giá cả trong nước", Thứ
trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết. Với các loại hàng hóa,
dịch vụ độc quyền, ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm
soát, sẽ khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật mà hiện nay đang áp dụng
với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ
các phương án giá, mức giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá những hàng
hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá…Đối với hàng hóa,
dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách, cần tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu
giá, thẩm định giá, và từng bước chuyển từ hình thức trợ giá, trợ cước sang đầu
tư trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ
thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, triệt để
tiết kiệm, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2% để
“phối hợp” với chính sách giá. Nhìn xa hơn, Bộ Tài chính khẳng định, việc thực
hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước là cả một quá trình, và
đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện không chỉ trong năm 2010 mà còn với các năm
tiếp theo.
Lê Quang Hòa
Bộ Tài chính