KIỂM TOÁN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CẦN MỘT GIẢI PHÁP TỔNG THỂ ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, ngày 01/07/2010 là thời hạn cuối cùng để các DNNN chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định. Như vậy tính từ mốc này chỉ còn trên nửa năm. Chính phủ nhận định năm 2010 là năm Việt Nam phải tăng tốc quá trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng nhiệm vụ hoàn thành CPH trước ngày 1/7/2010 của khối DNNN đang trở nên rất khó khăn và đầy thử thách.

CPH DNNN ở Việt Nam: Kết quả và tồn tại

Khủng hoảng tài chính toàn cầu cơ bản đã qua đi, nhưng hậu quả để lại sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Đối với nước ta, hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới với Việt Nam là rất lớn khi đã làm giảm mạnh luồng vốn đầu tư FDI, FII, kiều hối… Kim ngạch xuất khấu của Việt Nam năm 2009 cũng giảm mạnh sau nhiều năm tăng tốc. Các DN Việt Nam vừa phải trải qua khoảng thời gian điêu đứng do sự tăng giá mạnh của các yếu tố đầu vào từ nguyên, nhiên vật liệu tới chi phí vốn năm 2008, trong năm 2009 lại phải chật vật xoay xở để tìm đầu ra. Suy thoái kinh tế làm lượng cầu sụt giảm, hàng hoá ứ đọng, sản xuất phải cắt giảm, công nhân thất nghiệp. Tình trạng này không chỉ xảy ra với các DN nhỏ và vừa mà còn với cả các DNNN.

Để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng suy giảm và sớm lấy lại đà phục hồi, việc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam (phân bổ, sắp xếp lại nguồn lực, chọn hướng đi tốt nhất) được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Tái cấu trúc DN nói chung và đặc biệt là DNNN nói riêng là một cấu phần quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế. CPH - biện pháp chủ đạo để tái cấu trúc các DNNN chính thức được khởi động từ năm 1992. CPH DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước - một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, thu hút tiềm năng toàn xã hội góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Kết quả bước đầu của tiến trình này đã góp phần tạo ra động lực mới cho sản xuất, kinh doanh trong sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN sẽ giúp khắc phục được tình trạng “cha chung không ai khóc”, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị DN, tạo động lực mới thúc đẩy DN phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Tính đến nay, thực tiễn 17 năm thực hiện CPH DNNN đã khẳng định những kết quả tích cực của nó. Theo kết quả khảo sát, trên 90% các DNNN sau CPH đều kinh doanh có lãi. Hiệu quả quản lý và năng lực kinh doanh được cải thiện rõ rệt, thu nhập và đời sống cán bộ công nhân viên từng bước được nâng lên. CPH đã thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư (cả pháp nhân và cá nhân, cả trong và ngoài nước) tham gia góp vốn vào các DNNN được CPH, thu về một lượng lớn tiền thặng dư phát hành cho Nhà nước, đồng thời cũng thúc đẩy các DN này ngày càng hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn … Ngoài ra, CPH cũng góp phần vào việc hình thành các DN có quy mô lớn, đa ngành, đa lĩnh vực và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế, hài hòa được lợi ích của Nhà nước - DN và người lao động.

Thống kê cho thấy, tính đến đầu năm 2009, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.556 DN và 8 tổng công ty Nhà nước, trong đó CPH được 3.854 DN và bộ phận DN (chiếm 69,4% tổng số DN đã sắp xếp), giao 196 DN, bán 155 DN, khoán và cho thuê 30 DN, sáp nhập hợp nhất 531 DN, còn lại các hình thức khác là 790 DN.

Số lượng các DNNN được sắp xếp đến 2008 và kế hoạch 2009-2010

 

1992-2006

2007

2008

2009-2010

Số DNNN đã/cần phải sắp xếp

5.024

271

119

1.090

Trong đó, số CPH

3.646

116

74

760

Nguồn: Bộ Tài chính

 

Thế nhưng, do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, quá trình CPH DNNN đang bộc lộ những hạn chế và bất cập từ mục tiêu đến tổ chức thực hiện.

* Thứ nhất, quy mô CPH vẫn còn nhỏ, tốc độ vẫn còn chậm. Số lượng DNNN được CPH là khá lớn nhưng trong gần 4000 DNNN đã CPH, chỉ có gần 40% DN có quy mô vốn trên 5 tỷ đồng, còn lại phần lớn là các DN nhỏ và vừa. Mặc dù trong vài ba năm gần đây, một số DNNN có quy mô vốn lớn được CPH (như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Sabeco, Habeco…) nhưng tính đến nay cũng chỉ mới có khoảng 25-30% tổng vốn nhà nước được CPH. Và tại các DNNN đã CPH thì lượng vốn do Nhà nước nắm giữ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.

Tiến trình CPH ở hầu hết các lĩnh vực then chốt, những tổng công ty “đỉnh” vẫn khá ì ạch. Kế hoạch CPH của nhiều công ty, tổng công ty lớn liên tiếp bị trì hoãn từ năm này qua năm khác với nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt, trong 2 năm 2007-2008, kế hoạch CPH các DNNN chỉ thực hiện được 30 - 35% mà một trong các lý do chính là sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán.

*Thứ hai, một số DN sau CPH vẫn nằm trong tình trạng “bình mới rượu cũ”, nghĩa là ít có sự thay đổi về cơ cấu và cơ chế quản lý, năng lực điều hành,...  và đương nhiên là hiệu quả kinh doanh cũng không được cải thiện. Vẫn có tới gần 10% DN hậu CPH tiếp tục nằm trong tình trạng thua lỗ. Do tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ (cá nhân, cán bộ công nhân viên ...) tại DN quá nhỏ nên họ hầu như không có thực quyền nào trong việc kiểm soát phần vốn của mình cũng như thực thi đầy đủ các quyền cơ bản của cổ đông. Một số công ty cổ phần nhiều năm không tiến hành đại hội cổ đông, không công khai báo cáo tài chính... hoặc tổ chức đại hội cổ đông, thực hiện công khai báo cáo tài chính chậm hơn so với quy định. Vì vậy, sau khi CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ quyền quản lý DN và những “vết xe cũ” tiếp tục được lặp lại. Vậy là CPH chỉ có ý nghĩa thay đổi một phần sở hữu vốn mà chưa tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ về chất trong quản trị, điều hành. 

* Thứ ba, còn nhiều bất cập trong cơ chế trước, trong và sau CPH.

Trong các quy định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần còn một số nội dung chưa phù hợp. Cơ chế xác định giá trị DN, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề. Việc quy định giá bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn giá đấu giá bình quân khi IPO cũng là một bất cập. Quy định bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên còn nhiều điểm bất hợp lý ... 

Làm gì để tăng tốc CPH?

Kể từ ngày 1/7/2010, tất cả các DN 100% vốn nhà nước sẽ chuyển sang hoạt động theo Luật DN (dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn). Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị 854/CT-TTg ngày 19/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị trong việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước... Nội dung Chỉ thị số 854/CT - TTg thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và cũng là một thách thức lớn cho các cơ quan liên quan và DN trong quá trình thực hiện "cải cách DN" nói chung. Số lượng các DN cần phải sắp xếp chuyển đổi là rất lớn, vào khoảng 1.500, đặc biệt trong đó có khoảng 90 công ty mẹ là tập đoàn, tổng công ty nhà nước với thời gian chuyển đổi tính từ ngày Chỉ thị được ban hành là khoảng 01 năm.

Như vậy, theo Luật DN 2005 thì 01/07/2010 là thời hạn cuối cùng để các DNNN chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định, như vậy tính từ mốc này chỉ còn trên nửa năm. Chúng ta đã phải mất 17 năm để chuyển 3.836 DNNN thành công ty cổ phần, trong khi đó chỉ còn hơn nửa năm để sắp xếp hơn 1000 DNNN, trong đó có tới 760 DN thuộc diện CPH (theo kế hoạch) quả là một nhiệm vụ nặng nề. Chưa kể 760 DN còn lại có quy mô vốn chiếm tới hơn 70% tổng vốn tại các DNNN. Không ít ý kiến cho rằng nhiệm vụ hoàn thành CPH trước ngày 1/7/2010 của khối DNNN trở nên bất khả thi hơn bao giờ hết. Nguy cơ vỡ kế hoạch CPH DNNN đang hiển hiện khi mà đến hết quý III/2009, mới có khoảng 40/1,100 DN cần sắp xếp trong năm 2009 - 2010 được CPH.

Theo Bộ Tài chính, gói giải pháp tổng thể tháo gỡ những bất cập hiện đang được Bộ khẩn trương chuẩn bị và dự kiến, đến quý II/2010 sẽ trình Chính phủ quyết định. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là làm thế nào để đảm bảo tiến trình CPH, vừa đẩy nhanh tiến độ đi kèm với đảm bảo chất lượng trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất cập trong cơ chế CPH hiện nay, theo đó, những vấn đề đặt ra hiện nay là:

Thứ nhất, nhanh chóng bổ sung hướng dẫn một số nội dung trong quy định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần. CPH DNNN có quy mô lớn thời gian qua bị chậm tiến độ một phần do vấp phải nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn tới lúng túng trong thực hiện như: Việc xác định giá trị vô hình (thương hiệu), giá trị quyền sử dụng đất, việc lựa chọn đối tác chiến lược, lựa chọn tư vấn CPH…. Đây là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ kịp thời.

Thứ hai, khẩn trương xác định khung pháp lý đối với các công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Hiện tại, địa vị pháp lý trên thực tế của các công ty thuộc diện này rất “chung chiêng”. Khi cần kiểm soát thì các cơ quan quản lý coi họ là DNNN, khi xét hưởng ưu đãi của Nhà nước (nếu có) thì họ lại bị coi là công ty cổ phần. Theo quy định của Luật DN, 01/07/2010 là thời hạn cuối cùng để chuyển đổi các DNNN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu lực của Luật DNNN chấm dứt và trên thực tế không còn DNNN. Tuy nhiên, trong vô số các văn bản pháp quy hiện nay vẫn tồn tại những quy định nhập nhằng, chồng chéo về DNNN. Các cơ quan quản lý nhà nước nên hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quá trình quản trị, điều hành của DN. Thay vào đó, nên ban hành các quy định về người đại diện sở hữu vốn nhà nước và thực hiện quyền của Nhà nước với DN thông qua những người này với tư cách một cổ đông, bình đẳng như bao cổ đông khác.

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của các DNNN sau chuyển đổi. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của các DNNN sau chuyển đổi, thúc đẩy các DN này tăng cường minh bạch thông tin. Tạo điều kiện tiếp cận thông tin một cách đối xứng giữa cổ đông, tạo điều kiện để cổ đông đại chúng tham gia giám sát DN, từ đó tạo sức ép để các DN này phải hoạt động hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn và minh bạch hơn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí, giám sát đánh giá, phân loại DN cùng việc nghiên cứu, bổ sung các chế tài để nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban điều hành tập đoàn, tổng công ty gắn với việc tuân thủ chấp hành, chính sách, chế độ của Nhà nước và hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty.

 

Nguyễn Thu Thủy 

Bộ Tài chính

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)