NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
QUẢN LÝ NỢ CÔNG TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Ban hành và thực thi Luật Quản lý nợ công 2017 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nếu giai đoạn trước và sau khi áp dụng Luật Quản lý nợ công 2009 gắn với những rủi ro nợ công ngày một lớn với qui mô nợ công phình to áp sát các giới hạn an toàn, cả nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài thì từ năm 2018 đến nay, qui mô nợ công liên tục giảm xuống, thậm chí thấp xa so với các giới hạn an toàn nợ công được công bố. Hơn thế nữa, trong vòng 5 năm gần đây thì nợ công và an toàn nợ công rất ít được nhắc tới, trái ngược với hơn 10 năm về trước khi mà nợ công thường xuyên trở thành chủ đề nóng bỏng không chỉ trong các phiên họp của Chính phủ, của Quốc hội mà còn trên các diễn đàn, hội thảo về kinh tế tài chính Việt Nam.

 

Có thời điểm, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do qui mô nợ công tăng hàng chục phần trăm mỗi năm - vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế - do tăng vay nợ cả trong và ngoài nước đi đôi với rủi ro lãi suất cao và biến động mạnh tỷ giá hối đoái. Đó là chưa kể khoản bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nhưng gần như không có khả năng trả nợ đúng hạn do hoạt động yếu kém và thua lỗ kéo dài. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rủi ro nợ công tăng cao là thâm hụt ngân sách nhà nước triền miên với mức độ lớn, tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng vốn đầu tư, cả vốn đầu tư toàn xã hội lẫn vốn đầu tư công trong khi hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công còn thấp, phổ biến tình trạng thất thoát, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, trong đó có đầu tư công từ nguồn vốn vay nợ công nên ngân sách nhà nước phải căng sức bố trí nguồn trả nợ lãi trong tổng chi ngân sách nhà nước còn nguồn trả nợ gốc luôn ở trạng thái căng thẳng. Chính vì vậy, quản lý nợ công theo Luật 2017 tập trung vào hạn chế vay mới trong khi bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thanh toán nghĩa vụ nợ đồng thời cơ cấu lại nợ để giảm áp lực trả nợ gốc. Bên cạnh đó, vay mới nợ công (bao gồm vay mới trả nợ cũ) cũng được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng vay trong nước với lãi suất trái phiếu chính phủ đóng vai trò lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính nên thường xuyên duy trì ở mức thấp và vay trung dài hạn thay vì vay ngắn hạn đi đôi với giảm tỷ trọng vay nước ngoài, qua đó giảm rủi ro tỷ giá hối đoái cũng như rủi ro lãi suất vay cao do Việt Nam đã qua thời kỳ được hưởng ưu đãi lãi suất mà chuyển sang lãi suất cho vay thương mại. Thêm nữa, việc phân công, phân cấp rõ ràng trong quản lý và sử dụng nợ công, kể cả nguồn vốn ODA đã tăng tính trách nhiệm trong kêu gọi và sử dụng vốn ODA.

 

An toàn nợ công còn là kết quả tất yếu của việc kiểm soát tốt hơn bội chi ngân sách nhà nước, củng cố và duy trì kỷ luật tài chính công,  đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư toàn xã hội cũng như đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư thông qua chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí được triển khai sâu rộng từ trung ương đến địa phương. Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác quản lý nợ công và cũng đã có những cải cách quan trọng về quản lý nợ công bao gồm: tăng cường khung pháp lý, quản lý thể chế… Kết quả đạt được trong quản lý nợ công hơn 5 năm qua là rất đáng ghi nhận. Nổi bật là:

 

Giảm quy mô: Nợ công giữ ở mức bền vững, ổn định với quy mô đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, nợ chính phủ khoảng 34% GDP và thấp hơn nhiều so với trần 50%. Trên bình diện quốc tế, mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công của một quốc gia được cho là bền vững nếu Chính phủ có thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ trong tương lai, không cần đến sự trợ giúp tài chính đặc biệt hoặc rơi vào cảnh vỡ nợ. Một quốc gia có thể vay nợ rất nhiều, nhưng nếu khoản vay này có lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và đồng tiền trả nợ bằng nội tệ, thì khả năng vỡ nợ của nước này có thể vẫn sẽ thấp.

 

Số liệu của IMF đưa ra vào năm 2021 cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2021 chỉ có 39,7%, tức là còn thấp hơn con số mà Bộ Tài chính đưa ra, tỷ lệ này nằm trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á; đồng thời cũng ít hơn những nền kinh tế có quy mô tương tự như: Philippines, Nam Phi, Malaysia, Singapore hay Bangladesh.

 

Tăng tỷ trọng vay trong nước: Hoạt động cơ cấu nợ được thực hiện tích cực. Theo đó, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ chính phủ, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Đến hết năm 2023, nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 12,4 đến 12,5 năm. Điều này đảm bảo mục tiêu kỳ hạn vay từ 9 năm đến 11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội số 23/2021/QH15 về Kế hoạch Tài chính quốc gia và Vay trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025). Trong năm qua, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể, lãi suất phát hành bình quân cả danh mục trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng. Lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ.

 

Trong năm 2023, Kho bạc Nhà nước huy động được 298.476 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, đạt 98% kế hoạch điều chỉnh của Bộ Tài chính giao cho Kho bạc Nhà nước (305.000 tỷ đồng) và tăng 39% so với cùng kỳ. Dư nợ trái phiếu chính phủ niêm yết trên thị trường tính theo thời điểm cuối năm 2023 là 1.798.875,4 tỷ đồng; cuối năm 2022 là 1.543.015,5 tỷ đồng. Kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội năm 2024 là 400.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

Nợ nước ngoài đang giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi. Điều này góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu. Tính riêng năm 2023, Bộ Tài chính tập trung hoàn thành việc đàm phán, ký kết 17 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 1,87 tỷ USD, góp phần bổ sung nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các khoản vay mới đàm phán và ký kết kể từ năm 2022 có mức lãi suất cao hơn, gần với thị trường hơn, phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.

 

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm: Việc Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi Tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công.

 

Bộ Tài chính đã tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá nhà đầu tư, triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030. Từ năm 2021 đến nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục nâng triển vọng tín nhiệm, nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam còn cách 2 bậc đối với thang điểm của tổ chức Moody’s; cách 1 bậc đối với thang điểm của tổ chức S&P và Fitch để đạt mức Đầu tư. Đây được đánh giá là những tín hiệu tích cực, khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về triển vọng của nền kinh tế, việc thực thi các chính sách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch có thể chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, xã hội. Việc nhiều tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng là cơ hội tốt để huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn.

 

Kiểm soát nợ công chặt chẽ hơn: Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Năm 2023 không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương.

 

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm, quyết định các chỉ tiêu giới hạn an toàn nợ và các giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu này. Luật Quản lý nợ công năm 2017 hoàn thiện thêm một bước cơ bản khuôn khổ thể chế và chính sách quản lý nợ công, nổi bật là thống nhất đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công, bổ sung các công cụ quản lý nợ công chủ động như hạn mức cho vay lại và bảo lãnh chính phủ hằng năm, chương trình quản lý nợ 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, bổ sung quy định ngưỡng cảnh báo nợ công theo thông lệ quốc tế bên cạnh khái niệm trần nợ công. Bộ Tài chính cũng phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư… Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công như Nghị định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

 

Gắn quản lý nợ công với quản lý đầu tư công: Nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay công và cơ cấu lại nợ công, Bộ Tài chính đã linh hoạt, chủ động triển khai việc huy động vốn theo yêu cầu tiến độ giải ngân đầu tư công, theo hướng tăng các nguồn vay trong nước với lãi suất thấp, ưu đãi, thời gian vay dài, sử dụng vượt thu ngân sách để trả nợ gốc, giảm áp lực nợ công. Việc vay mới chỉ triển khai sau khi đánh giá kỹ tác động đến an toàn nợ công, chỉ sử dụng cho các công trình có hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả xã hội cao, chỉ vay trong khả năng trả nợ. Để quản lý nợ công theo hướng bền vững, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nợ công, công khai thông tin nợ công.

 

Để đảm bảo tiếp tục quản lý hiệu quả và bền vững nợ công cần tiếp tục tăng cường quản lý nợ công và cải cách thể chế kinh tế tài chính. Trọng tâm quản lý nợ công vẫn là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ công/GDP thông qua việc kiểm soát và điều chỉnh xem xét các yếu tố cấu thành nợ công kể cả quy định trần nợ công phù hợp với năng lực nền kinh tế cũng như chuẩn hóa phương pháp tính nợ công theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, yếu tố mật thiết gắn với quản lý nợ công chính là phải tăng hiệu quả đầu tư công. Theo lý thuyết, cứ 1% giải ngân đầu tư công tăng thêm sẽ tác động làm tăng 0,058% GDP. Một mặt cần tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng không phải giải ngân bằng mọi giá mà phải tập trung vào những dự án lớn, có hiệu quả và có sức lan tỏa cao.

 

Rõ ràng, với mức nợ thấp so với trần như hiện nay đã tạo ra nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất. Trong bối cảnh đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa. Bám sát chủ trương, đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước về vấn đề nợ công (như các Nghị quyết Đại hội Đảng XII, XIII, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương II, đặc biệt là Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm, quyết định các chỉ tiêu giới hạn an toàn nợ và các giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu kinh tế tài chính.

 

Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, cùng những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiều năm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Nếu tính trên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cộng kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giao tăng thì tỷ lệ giải ngân các năm 2021-2023 chỉ đạt hơn 80%.

 

Mặc dù về phía Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực như ngay từ đầu năm của các kỳ kế hoạch, đã tích cực đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Thực hiện kiểm tra phân bổ vốn ngay sau khi nhận được phương án phân bổ, điều chỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm của các bộ, cơ quan trung ương để nhập và phê duyệt dự toán cho các dự án đủ điều kiện để có vốn thực hiện và có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ đối với các dự án chưa đúng quy định.

 

Bộ Tài chính cũng đã chủ động chuẩn bị đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kế hoạch năm. Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Hằng tháng, Kho bạc kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành. Tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng năm 2024 vẫn chưa đạt ½ kế hoạch. Để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cần sự tiếp tục vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân mà trước hết là hoàn thiện thể chế, sửa Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện với các nội dung chủ yếu là:

 

- Tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư, nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 

- Sửa đổi Luật Đầu tư công cần bỏ nội dung cải tạo dự án đã đầu tư xây dựng ra khỏi đối tượng đầu tư công để tăng sự chủ động của các đơn vị và thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp khác để tăng tổng cầu đầu tư.

 

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng, tính toán tổng mức đầu tư, dự phòng hợp lý, tránh tình trạng điều chỉnh dự án nhiều lần. Công tác lựa chọn tư vấn, nhà thầu thi công chuyên nghiệp, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công (trước 31/12/2023).

 

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần bố trí vốn tập trung, không dàn trải, theo đúng thứ tự ưu tiên và đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư công, đặc biệt là phải bố trí vốn phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án.

 

- Các dự án quan trọng quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt dự án, vì vậy ngay từ đầu năm 2024 các bộ, địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

 

- Duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 26 Đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thành lập các tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan làm tổ trưởng để chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời.

 

Tóm lại, quản lý nợ công tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc đem lại những kết quả khả quan, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố an ninh tài chính quốc gia. Quản lý nợ công cần tiếp tục hoàn thiện, cả về thể chế và kỹ thuật theo hướng phù hợp hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời gắn quản lý nợ công với quản lý ngân sách nhà nước và quản lý đầu tư công trong một thể thống nhất đi đôi với áp dụng công nghệ mới như AI, blockchain, Icloud… trong quản lý vay và sử dụng nợ công. Ngoài ra, công khai minh bạch nợ công cần đẩy mạnh theo cả chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo tính hệ thống, cập nhật và chi tiết hơn.

TIN MỚI CẬP NHẬT
LIÊN KẾT WEBSITE
TẠP CHÍ IN
  • Tổng mục lục năm 2021
  • Tổng mục lục năm 2020
  • Tạp chí số 146 (Tháng 12/2019)